20110328

Đạo đức - Đức hạnh

Đạo đức - Đức hạnh




Sống là sống với” đó là tuyên ngôn đanh thép của kiếp người. Chẳng kẻ nào có thể sống cô độc vò võ một mình được cả. Cho dù anh chàng Rô-bin-xơn có lang bạt khỏi loài người, sống trên một ốc đảo hoang vu thì anh cũng chẳng dứt bỏ nổi nỗi ám ảnh của cộng đồng nhân lọai, và tuyệt đối hơn nữa anh ta chẳng thể nào sống nổi mà không làm bạn với muông thú trong rừng sâu. Con người là sống với - sống với người khác – và sống với vũ trụ đang nuôi dưỡng con người. Song muốn “sống với” con người buộc phải xuất thế cái bản ngã ru rú cô quả của mình để hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại mà nguyên lý của dòng chảy đó là: Đạo lý làm người.


Không có đạo lý làm người sẽ không có xã hội bởi lúc đó mỗi con người chỉ như là một phần tử rời rạc được chăng hay chớ của cái gọi là số lượng hơn là loài người. Không có xã hội không có nền văn minh. Bởi vậy, cả triết gia Kant - người nổi danh lỗi lạc trên địa hạt đạo đức như tên gọi “ông hoàng của phúc âm mới”, và Rousseau thủ lĩnh của “Khế ước xã hội” nổi tiếng đều cho rằng: “Bản tính đạo lý của con người là quan trọng nhất” ( Man’s moral nature is most important. -‘Encyclopedia Compton’s’, P17, tr.265).


Và Kant còn cho rằng: “Vẻ đẹp là tượng trưng của lòng đạo đức” ( La beaute’ est le symbol de la moralite’ ). Đi xa hơn nữa St. Thomas cho rằng lòng tốt còn chói sáng hơn cả chân lý. Chân lý mà làm gì nếu con người không biết vận động tâm hồn khát khao chân lý của mình để sống với nhau bằng một lương tâm thiện tín, một trái tim thiện hảo và một tấm lòng nhân ái. St. Thomas nói: “Cái tốt còn chói sáng hơn cái thật” ( The “good” is more excellent than the “true” ).


Tuy nhiên đạo lý không dễ nhận biết như vậy, con người vẫn tiếp tục rồ dại sản xuất ra hàng loạt những khẩu đại bác với kích cỡ ngày càng lớn, người ta vừa nhằm vào những con người để bắn lại vừa chạy đến để cứu thương hay nhỏ nước mắt chôn cất tử tế, hoặc còn lập ra những hội đồng ái - thiện để an ủi chăm sóc làm dịu đi nỗi đau của những quả phụ đã hóa đá chờ chồng. Đó là một nghịch lý vô minh nhưng lại được sào đi tái lại một cách rất hiền minh. Để tận dụng trí tuệ mong thủ lợi, con người còn cố tình chơi trò tung hứng đạo lý để mua vui hay mõi từng đồng xu ít ỏi của những chú nhi đồng lam lũ đang há mồm thần phục trò ảo thuật. Khi phản ứng dây chuyền nguyên tử được phát hiện, vậy là người ta đổ xô vào tìm cách đoạt lấy nó như một phương tiện để đe dọa người khác. Khi người ta biết rằng hơi thở là thiết yếu nhất của con người vậy là người ta lao vào sáng chế ra những độc tố hóa học để tung vào không khí khiến tha nhân chẳng còn đường mà thở.


Đạo lý là tất yếu với con người đến mức nó là cái thăng thiên con người từ thế giới động vật lên hàng nhân loại, ấy vậy mà cho đến ngày nay người ta vẫn còn bàn cãi lu bu về nó. Tại sao vậy? Loại trừ những yếu tố họăc giá trị vi tế của đạo lý, con người vẫn xung sát nhau về đạo lý để biện hộ cho hành động của mình hơn là thiện chí sống đạo lý. Người ta thích đạo lý là con đường khai mở dễ dàng các hành động vụ lợi của mình hơn coi nó như một bức tường cao vòi vọi của lương tâm con người. Và người ta bàn về đạo lý để thỏa thuê miệng lưỡi kiến văn lọc lõi hùng biện của mình hơn là sống đạo lý, Bởi vậy đạo lý càng mập mờ di dịch bao nhiêu thì con người càng có cơ hội ẩn trốn, xuất gia hay thủ đắc, và đạo lý như một vũng nước càng đục thì cò càng béo.


Không ! Bằng một lương tâm công chính chúng ta hãy chối bỏ điều đó. Dù xã hội có thể tiến bộ đến bao nhiêu, dù súng dài súng ngắn, tầu bay tầu bò, tên lửa vượt đại châu hay vệ tinh thăng thiên sao hỏa thì đó cũng chưa hẳn là cuộc tiến bộ của nhân loại toàn diện. Nhân loại thiết yếu phải là đạo lý làm người. Nếu người ta có ý định sản xuất ra những đồ i-nốc sáng loáng hay những đồ pha lê lấp lánh mong thay thế đạo lý làm người tốt đẹp và bình dị là thoái hóa chứ không phải tiến hóa. Nếu bạn không muốn tin điều đó, bạn hãy thử xem người ta sáng chế ra những dụng cụ khoa học có hẳn để lúc nào cũng giúp ích cho con người? Henri Poincare nói: “Những dụng cụ tinh mật dùng một cách không chính đáng có thể cản trở sự tiến bộ của khoa học” ( Alfred North White Head ‘Bước đường phiêu lưu của những dòng tư tưởng’, dịch giả Nam Chi và Từ Huệ, Văn Đàn 1969, tr.468 ).


Bạn đã từng chứng kiến người ta dùng khoa học để kìm kẹp, phá hoại hay lợi dụng chính khoa học như thế nào rồi. Vả lại có bao giờ bạn mong ước một ngày nào đó một khẩu súng liên thanh tự động chĩa vào nhà bạn nhả đạn dữ dội không? Bạn có bao giờ mong một quả bom đang rơi xuống mái nhà bạn? Hay vợ con bạn mắc phải chứng hen phế do hít phải độc tố mới phát minh của ngành hóa học? Không! Chắc hẳn là không! Sự tiến bộ của khoa học buộc phải nằm trong cuộc kiểm thảo của lương tâm. Không có lương tâm, khoa học chỉ là một đống máy móc phi nhân với mục đích lấy sắt thép thay thế con người và giá trị con người. Có một châm ngôn rằng “Khoa học không có lương tâm chỉ là táng bại cho linh hồn” . Rabelais cũng nói: “Học vấn không có lương tâm chỉ là thứ tàn phá linh hồn” ( Science sans conscience n’est que ruin de l’ame ).


Đạo đức là khoa học của Điều Thiện


Đạo đức là gì?



Chúng ta hãy lần về cội nguồn, lần về buổi ban sơ của bình minh Hy Lạp, cái thời mà lương tâm của con người còn khá trong trẻo khi không bị những cú sốc liên tiếp của thời đại hay lịch sử vấy bùn lên. Socrate nói: “Đạo đức là khoa học của điều thiện” ( La vertu est la science du bien ). Tuy nhiên Socrate là một học giả, bởi vậy chữ khoa học của ông thiên về ý thức. Có một câu phương ngôn bình dân khác là: “Đức hạnh là thói quen của điều thiện” ( La vertu est l’habitude du bien ).


Thói quen là gì? Nó có phải những cư xử trong sinh hoạt sẽ dần trở thành tập tục và hơn nữa dần trở thành truyền thống. Kết hợp phương ngôn này với ý tưởng của Socrate chúng ta thấy rằng: Đạo đức là ý tưởng về điều thiện và hành động về điều thiện. Đến đây, vào lúc mà đạo đức đang hoàn thành sự an bài của nó một cách thật chắc tâm thì một cõi hoang mang mới mở ra: hoang mang thiện ác, nó du đẩy đạo đức trở lui về cõi hỗn mang huyền hoặc của mình.


Thiện –ác đó là cuộc tranh luận giằng co suốt dòng lịch sử. Con người bản tính thiện hay bản tính ác, đó là vấn đề đã được các học giả Trung Hoa lật xới nhiều lần mà chẳng đi đến một kết cục nào. Nếu sự luận bàn của các học giả Trung Hoa phần nào giống câu hỏi “con người là nữ hay nam?” thì nó sẽ được giải đáp bằng câu trả lời: toàn thể vũ trụ cả âm lẫn dương. Và nếu nó có giống câu hỏi “con người là sống hay chết?” thì nó cũng được giải đáp: con người là cả sinh và tử. Ở đây theo tôi, người Trung Hoa đã mắc phải một đạo đức duy sinh trong khi họ lại muốn luận rốt ráo về thiện ác. Đáo cùng, thứ thiện – ác của họ chỉ là thứ duy niệm nửa chừng xuân khi không tách bạch thứ đạo đức duy niệm cho tư tưởng, và đạo đức duy sinh cho thực hành. Để tránh dẫm theo những bước chân của họ, tôi sẽ bàn đến đạo đức trên những bình diện thuần khiết riêng rẽ, nghĩa là:


1- Đạo đức duy niệm tuyệt đối
2- Đạo đức lựa chọn song hành cùng tư tưởng tự do trước hành động
3- Đạo đức hành động.


1- Đạo đức duy niệm tuyệt đối


Chúng ta hãy trở lại nỗi giằng co khôn nguôi của thiện – ác bằng cách tham chiếu một loạt các ý tưởng sau đây. Durkheim nói: “Cái tốt hay cái xấu, luân lý hay phi luân chỉ là cái thường có hay vô thường trong một xã hội đã tồn tại” ( Le bien et le mal, le moral ou immoral, c’est le normal et l’anormal dans une societe donnee. – Sdd ‘Histoire de la Philosophie, tr.68 ). Khi cái xấu biến thành cái vô thường thì dường như nó được hóa kiếp khỏi thực tại, và ý tưởng này càng rõ rệt hơn ở Donald Butler : “Tội lỗi không phải giá trị tồn đọng một cách thực tại, nó chỉ là thứ phủ định những giá trị”( Evil is not real existence value, it is negative of value. – Sdd ‘Four Philosophies’, tr.162 ).


Thánh Aquinas cũng cho là vậy, ông nói: “Cái xấu không có trong thực tại. Nó chỉ là sự vắng mặt của cái tốt. Người ta chỉ có thể lĩnh hội cái xấu thông qua cái tốt giống như chỉ có thể nhận biết bóng tối bằng ánh sáng” ( Le mal, n’a point de realite – Ce n’est que l’absence du bien. On ne peut concevoir les tenebres que par la lumiere. – Sdd ‘La Philosophie moderne’, tr.53 ).


Theo thánh Aquinas thì cái xấu và cái tốt tham chiếu lẫn nhau như cái xấu và cái đẹp, cao và thấp, chúng tham chiếu lẫn nhau. Chúng ta hãy nhìn một cái thước dài và một cái thước ngắn nằm cạnh nhau, nhân danh cái gì mà ta gọi cái này là thước dài và cái kia là thước ngắn? Nhân danh độ dài của một con đường chăng? Hay nhân danh độ dài từ trái đất lên mặt trăng? Không! Cái thước này dài bởi so với cái thước ngắn, nó dài hơn; còn cái thước kia ngắn bởi so với cái thước dài, nó ngắn hơn. Ý tưởng tương quan này tung hê mọi quan niệm của chúng ta về thiện ác, nó dường như sổ toẹt vào tâm trí của chúng ta rằng: làm gì có dài và ngắn tuyệt đối, cũng vậy làm gì có thiện và ác cố định. Hãy phiên phiến thôi, thiện và ác lấn sang nhau và du di lẫn nhau. Nếu vậy con người có quyền làm mọi chuyện không? Và liệu tôi có bình tâm làm điều ác khi nghĩ rằng tôi vẫn là người thánh thiện so với kẻ ác hơn tôi?


Nỗi dùng dằng của thiện ác đâu chỉ có vậy, cái nghịch lý của nó còn xảy ra ngay cả với những tâm trí đã ý thức rõ rệt cái hay – cái dở, ngạn ngữ La Tinh có câu “Tôi thấy điều hay nhất mà tôi vẫn không tự ngăn làm điều dở nhất.” Nỗi éo le này đã được Dostoievski mổ xẻ nhiều lần một cách lọc lõi. Theo ông thì trong rất nhiều trường hợp con người đã hành động trái với cả ý thức chính đáng của mình. Một kẻ hút thuốc, nó thấy hại mà vẫn cứ hút; một kẻ định bụng đến ngã ba thì rẽ tay phải thế mà đùng một cái nó rẽ tay trái; còn một kẻ quái dị khác, kẻ thấy hạnh phúc trong đau đớn, đó là một gã đau răng nhức nhối, gã mừng vì thấy mình được đau bởi gã có cơ hội được rên rỉ cho đã, được nhìn người thân nhăn nhó phục dịch quanh gã, mỗi lúc gã càng rên la rầm rĩ và hối thúc, gã ngẫm: ừ, ta đau, còn các ngươi cũng chẳng được yên, các ngươi phải nhăn nhó khổ sở. Thế là ta hạnh phúc, bởi ta thấy mình được quan tâm và trở nên quan trọng.


Đức hạnh có phải ngón huyễn hoặc, ở tay phải thì được gọi là cánh hữu, sang tay trái thì được gọi là cánh tả? Và khi nó mông lung bỡn cợt như vậy thì con người thả cửa muốn làm gì thì làm? Nếu vậy, những kẻ phóng đãng và tôi có thể la rú lên: Hoan hô! Mọi bổn phận đã được giải phóng cả rồi, mọi rào chắn đã bị tháo tung, và con người là con người của toàn quyền hành động. Hãy uống đi! Hãy chơi đi! Hãy đâm chém thả cửa đi! Không! Một nghìn lần không! Sẽ chẳng có một sát na thỏa thuê như thế cho bạn và tôi. Chúng ta hãy ngẫm lời của Robes Pierre: “Đạo hạnh là hiển nhiên đối với con người” (La vertu est la naturelle du peuple ).


Tại sao vậy? Đừng tưởng khi thiện – ác du di là chúng ta thỏa thuê chơi trò ảo thuật. Thiện và ác buộc phải phơi ra bộ mặt thật khi bị tấm gương ý chí thiện hảo tuyệt đối của con người soi chiếu vào (đây cũng là điểm yếu của người Trung Hoa cổ khi không đưa thiện – ác về cõi miền của siêu việt tuyệt đối để tham chiếu, bởi lẽ họ là những người duy sinh yêu tha thiết trần gian này). Chúng ta hãy nghe nền đạo lý tất định của Kant trên nẻo đường tiến về vĩnh cửu của ý chí làm người: “Những vấn đề nổi lên trong kinh nghiệm của con người là: Hiện hữu Thiên Chúa, ý chí tự do và mệnh lệnh đức hạnh của vũ trụ, tất cả đều không lộ hiện để kiến thức khoa học có thể tìm thấy một giải pháp, thật sự nó cũng không nắm trong kinh nghiệm tôn giáo, mà nó nằm đích thực trong tín điều luân lý” (The ultimate problems arising out man’s experience, the being of God, the freedom of the will and the ethical order of the universe, undermonstrable for scientific knowledge find their solution, not indeed in religion experience, but in moral faith. – William G. Burgh ‘The Legacy of the Ancient World’, Penguin 1967, Law ).


Đức hạnh là Tri thức


Trước hết như những người nhận biết lẽ công chính, chúng ta hãy xâm nhập vào khuôn viên đạo đức bằng một ý thức hết sức thanh thản, không cho cái này là tốt hay cái kia là xấu, hoặc giả tốt - xấu cũng chẳng để làm gì. Nghĩa là khởi đầu thiện – ác sẽ được xem như hai giá trị vô thưởng vô phạt.


Thiện –ác đầu tiên là của phạm trù duy niệm, và nó được vô can bởi lẽ ý thức con người là tự do. Để hiểu thiện ác, Spinoza đã khai mào bằng thái độ: “Tôi đã cố gắng một cách thận trọng để không chế riễu hay thương hại hoặc ghê tởm những hành vi con người, mà chỉ để thấu hiểu chúng.


Nguồn gốc đầu tiên của đạo đức là ý thức, trong kinh Gita có câu: “Ý thức phải là mục đích của hành động.” Chính vì vậy mà khởi từ cội nguồn , đạo đức sẽ được xét trên địa hạt ý thức như thể đó là đạo đức của ông chủ tối cao cho hành động. Chúng ta hãy bắt đầu cùng với “ông hoàng đạo đức” Kant, bằng một ý thức trực nhận đầu tiên về đạo đức, Kant nói: “Vũ trụ là một trật tự, hai tình cảm tăng dần nơi tôi: bầu trời sáng trên đầu tôi và lề luật luân lý ở trong tôi. Tôi thấy chúng trước mắt, tức khắc tôi ràng buộc chúng vào ý thức tôi.”


Theo Kant thì lề luật luân lý của con người cũng hiển nhiên như bầu trời trong sáng ở trên đầu vậy, bầu trời ấy cũng có lề luật tự nhiên của nó, còn con người cũng phải có lề luật riêng của mình – đó là luân lý. Tuy nhiên đấy mới chỉ là cảm trạng trong sáng đầu tiên của con người về luân lý, điều đó có thể khiến những tâm trí mạch lạc lấy làm khó chịu. Để đi từ căn để vấn đề, chúng ta hãy trở lại nỗi cắc cớ éo le của thiện – ác. Thiện ác là gì? Chúng xâm lấn nhau như ánh sáng và bóng tối, nhân có cái này mới gọi được tên cái kia và ngược lại. Song thiện – ác cũng không dễ gì trở thành miếng mồi béo bở để biện hộ cho những hành động gian tà khuất tất quấy lộn nhập nhòa thiện – ác để tháu cáy chân lý.


Tại sao vậy? Cái đầu tiên mà thiện ác phải đối mặt nhức nhối là ý thức con người. Nhờ vào những mắt lưới hờ hoặc còn thiếu chặt chẽ của công lý, một người có thể lẩn trốn tội trạng của hắn, song nếu hắn không có ý thức thiện thì hoàn toàn hắn chẳng thể là người thiện. Đây là điểm cốt tử mà được đông đảo các triết gia và các nhà đạo đức qui tụ sự nhìn nhận của mình. Pascal nói: “Cả phẩm giá ta chỉ cốt ở suy tư”. Diogenes Laertius thì nói: “Điều thiện duy nhất là hiểu biết, và cái ác duy nhất là vô tri” (The only good is knowledge, and the only evil ignorance).


Một con người có thể do bị bản năng mãnh liệt chi phối, có thể bị hoàn cảnh gia đình hay xã hội du đẩy đã làm điều ác, điều đó phần nào nó còn được xem xét như một giá trị thiện – ác trồi sụt, nhưng nếu khi nó hành động mà chẳng thèm ý thức về điều ác, như vậy nó là một con vật ở giữa xã hội loài người. Nó vô ý thức, và tội ác của nó như một tuyên cáo: nó là một con người đã phá hoại nhân loại khả tri và khả đạo. Chính vậy mà Socrate đã nói: “Đức hạnh là tri thức, còn tật xấu là vô tri thức” (Phedon hay khảo về linh hồn). Còn Nietzsche thì quả quyết: “Tất cả những điều thiện phải có ý thức, chỉ có những kẻ đạo đức mới có ý thức.” Ý thức là ngọn nguồn cốt tử vô cùng thiết yếu của đạo đức, ý thức qui định rằng: Con người là con người bởi nó có ý thức, và ý thức đã lựa chọn luân lý cho con người như một lề luật nhân loại bất khả cưỡng. Bởi vậy mà Abberes đã hội tụ ý kiến của mọi người bằng câu nói: “Lương tri là sự kiện được mọi người đồng ý hơn cả.”


Quả thế! Con người là con người của lương tâm và lương tâm tự nó đã khao khát lương tri bằng ngả suy niệm – ý thức của con người. Người lương thiện trước hết phải là người lương tri nếu không thì cũng phải nhân danh lương tri. Cũng chính bởi vai trò của chữ Tri, Đức Khổng Tử đã hết sức đề cao chữ Học như đức thiết yếu của người quân tử, ông nói: “Muốn nhân mà không muốn học thì cái ngu che mờ; muốn trí mà không muốn học, thì cái trái lẽ che mờ; muốn trực mà không muốn học, thì cái ương ngạnh che mờ; muốn dũng mà không muốn học , thì cái loạn che mờ; muốn cương mà không muốn học , thì bị cái tàn bạo che mờ” (Luân Ngữ, Dương Hóa, tr.17). Và thầy Tử Lộ một học trò xuất sắc của Khổng Tử cũng nêu ra vai trò của chữ Tri một cách thật thấm thía: “Quân tử học dĩ tri kỳ đạo”, tức : Quân tử học biết đạo mà theo (Luận ngữ, Tử Trương, tr.14).


Đạo đức là ý thức, sự ngã ngũ đó dường như cũng chẳng giúp chúng ta được gì nhiều hơn khi muốn hoạch định một khuôn phép thiện lương để đưa vào cuộc đời, bởi lẽ ý thức vốn di dịch và biến ảo khôn dò, như vậy đạo đức năm phen tứ hồi dễ bị nghiêng ngả chung chiêng; vả lại ý thức của mọi người không giống nhau và không cùng trình độ với nhau, bởi thế đạo đức có nguy cơ trở nên những ván cờ riêng rẽ giành cho các đấu thủ ở các trật hạng khác nhau. Song may mắn thay cho chúng ta, Kant đã đến, suốt thế kỷ của mình Kant được mệnh danh là “ông hoàng phúc âm mới” bởi thiên tài của ông đã phần nào an định một mấu chốt dứt điểm khiến cuộc nghiêng ngả của đạo đức có thể bấu vào. Ông đã đặt đạo đức vào địa hạt tuyệt đối. Chúng ta hãy xem xét cách đặt vấn đề của Kant: “Trong tất cả những gì có thể quan niệm ở cõi đời, không có gì có thể tuyệt đối coi là thiện, trừ ra một cái là thiện chí.”


Con người chưa bao giờ là quán quân tội ác


Đạo đức tuyệt đối cũng là mục đích của nhận thức luận Socrate, chúng ta thử tham chiếu cách đặt con người vào điều thiện tuyệt đối bằng lối phản chứng của ông: “Nếu độc ác là thứ để thi đua sẽ có rất ít người tỏ ra là xứng đáng nhất về môn đó” ( Phedon ). Thật chí lý! Con người sinh ra không phải để thỏa thuê đam mê tội ác của mình: cho dù là một Trụ Vương tàn bạo ra lệnh chặt chân ông già để xem tủy, rồi mổ bụng hàng ngàn thiếu nữ để xem thai, đã tự nguyện leo vào đống củi lửa để thiêu thân như một tự thú cam lòng rằng, ta buộc phải tự xử lấy mình trước khi bị tòa án thiện lương của cuộc đời xử giảo, cho dù là một Tần Thủy Hoàng tàn bạo đốt sách giết nho, trong tay đầy quyền bính quân sĩ mà vẫn nơm nớp đi trong đế quốc của mình giữa những khuôn mặt hiền lành đang khát khao bình yên công chính; cho dù một Hitler có ra lệnh thủ tiêu hàng triệu người Do Thái thì cũng phải giả đò nhân danh điều thiện lương là hãy trả thù cho Chúa cứu thế bị đóng đanh trên thập giá.


Và chúng ta hãy nhìn khuôn mặt của những tên trùm mafia, những khuôn mặt mà người ta tưởng rằng chúng chỉ quen tắm táp no say trong tội ác, vậy mà hầu hết chúng bị bắn chỉ vì lần cuối cùng chúng đã lưỡng lự trước khi ra tay làm một điều ác khác. Không! Ngay cả những kẻ ác nhất khi đang tâm làm điều ác lương tâm chúng cũng lóe lên chút trăn trở lưỡng lự nào đó. Nhưng một con mèo không vậy, nó vồ lấy con chuột giằng xé phanh thây, máu đỏ lòm miệng mà chẳng ám ảnh trong bất kỳ sát na nào? Một con hổ, một con chó sói cũng vậy, chúng gặm gau gáu những con mồi bất hạnh nhẹ nhàng như những con bê đang gặm cỏ. Song con người không vậy, nó run tay khi hạ thủ đồng loại. Và để so sánh với những quán quân ăn thịt của tự nhiên, con người còn lâu mới xứng đáng với vai trò tiêu diệt đồng loại.


Khi ta dứt điểm đặt con người vào chỗ đứng ác như vậy, lập tức con người vượt thoát khỏi cái ác xấu xa đó, con người không sinh ra để làm ác, đó phải là một thực tại.


Nhưng con người sinh ra có phải để làm điều thiện không? Và nếu con người như vậy, tại sao cái ác vẫn tràn ngập mặt đất này trong từng giây từng phút? Câu trả lời có thể là: con người là cái thiện nhưng cái thiện còn khuyết hãm, còn thiếu toàn hảo, còn chưa mười phân vẹn mười. Con người là giấc mơ thiện hảo luôn thất bại và đổ nát giữa cuộc đời thực tại. Và nó lúc nào cũng đang cố công xây lại đống đổ nát đó bằng chính bàn tay phá hoại của mình.


Vì con người sinh ra không phải để làm điều ác, nên Rousseau nhà đạo đức nổi tiếng đã cho rằng, cái thiện trong con người là tất yếu như tâm thức của con người, ông nói: “Tất cả những gì tôi cảm thấy tốt, cái đó là tốt; tất cả những gì tôi cảm thấy xấu cái đó là xấu. Cố vấn giỏi nhất của lương tâm tôi ấy là lương tâm tôi.


Lương tâm tất yếu hướng về điều thiện. Điều này được xem như là thứ luân lý tiên thiên của Thượng Đế hay tạo hóa rót vào tâm hồn con người. Nhưng ở đây chúng ta hãy tránh sa vào cái bẫy tiên nghiệm có nguy cơ dẫn đến những cuộc tranh luận vô lối. Tốt hơn, chúng ta hãy quan sát cái nhìn của Dostoievski, bằng cách trực tiếp bình dị của đời sống, ông đã mô tả kỹ lưỡng cảm nghiệm đạo đức của con người thông qua tác phẩm “Anh em nhà Ca-ra-ma-dốp”:


Khi quan tòa gọi Ali-ô-sa lên làm chứng cho anh của chàng là Ivan bị buộc tội giết cha ( trích theo kịch bản phim)


Quan tòa: - Aliô-sa, ngài có tin anh ngài Ivan mắc tội giết cha không?


Aliô-sa: - Không! Không bao giờ, anh ấy vô tội!


Quan tòa: - Tại sao ngài chắc chắn như vậy?


Aliô-sa: - Nhìn vào mắt anh ấy, tôi biết!


Tại phiên tòa làm gì có chứng cớ được coi là “nhìn vào mắt”. Nhưng ở phiên tòa lương tâm cuộc đời, thì chứng cớ đó luôn luôn có đấy, và luôn luôn có được giá trị. Những kẻ làm ác vẫn thường có đôi mắt hoảng hốt và lấm lét, thậm chí có không ít những đôi mắt tội phạm bứt dứt niềm sám hối. Tại sao sự nhức nhối trăn trở lại ám ảnh đôi mắt lầm lỗi? Bởi lẽ đã làm người, không ai có thể tránh khỏi việc phải đem hành vi của mình ra soi trước tòa án của lương tâm.


Blondel nói: “Lương tâm chính là ý chí hành xử trong cái việc nó đưa ta tránh khỏi nỗi khổ nhất của con người là tội ác.”


Nỗi khổ của con người là tội ác, điều này đã được đề cập ngay từ thủa khai sinh loài người sau cuộc ra đời của thần Dớt trong thần thoại Hy Lạp. Bằng huyền thoại, con người cổ đại đã dựng lên những vị thần của núi Ô-lanh –pơ truy đuổi cắn dứt lương tâm những kẻ phạm tội, khiến chúng không thể nào yên ổn mà sống nổi.


Đạo đức duy niệm tuyệt đối



Đến đây chúng ta hãy đi vào con đường tuyệt đối của Kant về đạo đức. Theo Kant thì đạo đức không chỉ có cứu cánh tuyệt đối mà tự thân nó, đạo đức có một nền tảng khởi đầu từ một nút thắt tuyệt đối. Kant khởi sự đạo hạnh bằng đức thiện tín như:


Một kẻ nào đó vay ta tiền, và hẹn đến một ngày sẽ trả. Rồi cái ngày ấy đến, kẻ đó không chịu trả số tiền vay như đã hứa, và điều đó gây cho ta ít nhất một bực bội nhỏ ở trong lòng. Ta suy luận rằng kẻ đó đã bội tín. Nó đã phá vỡ miền đất đầu tiên của đạo hạnh. Giả sử kẻ vay tiền đó là một gã ngang tàng, một kẻ phản loạn, một kẻ chuyên đảo lộn các giá trị, thậm chí là một kẻ mong phá phách để thiết lập hệ quy chiếu thiện ác mới chẳng hạn, thì chính kẻ đó dù có là một tên cướp đi nữa có bao giờ muốn đồng bọn, tay chân của nó bội tín không? Chúa Jê-su cũng cho rằng: bọn kẻ cướp chúng cũng biết đối xử tốt với nhau, cũng giúp nhau khi hoạn nạn, và cũng cố gắng công bằng khi chia những đồ vật cướp được.


Như vậy để tồn tại, ngay cả những lực lượng hắc ám tội lỗi nhất cũng tìm cách giữ lấy một trật tự, một kỷ luật, một lối sống nào đó khả dĩ ngả theo lề luật công chính. Về điểm này Kant còn phát hiện ra mặc cảm tội lỗi của bọn tội phạm như là một mặc cảm đạo đức tuyệt đối, ông cho rằng: tất cả những kẻ phạm tội dù dữ dằn đến đâu cũng ngượng ngùng mặc cảm trước những con người lương thiện trong suy nghĩ là, nó chống lại hay đi ngược lại lối sống của con người.


Một kẻ bội tín làm sao có thể vay được tiền của bạn bè hay người thân của hắn? Có phải hắn đã lợi dụng lối sống vị tha thường có của con người không? Và đến lượt hắn, hắn bội tín. Hắn đã tự tiện phá bỏ nếp sống vị tha của con người.


Bàn về đạo đức tuyệt đối, Platon ông hoàng của địa hạt lý tưởng đã bàn thật rốt ráo: “Không ai chủ tâm làm điều ác bao giờ; vì dù họ có làm điều ác thì vẫn nhắm một mục đích tốt, như ăn trộm, giết người để nuôi sống, bảo vệ tình yêu quyền lợi.”


Thiện và ác tuyệt đối chắc hẳn có thể đối chiếu với âm và dương tuyệt đối. Trong âm có dương, trong dương có âm; nhưng có một điều tuyệt đối là: âm là âm, dương là dương (chỉ có âm mới đẻ, còn dương không thể đẻ). Trong thiện có ác, trong ác có thiện, song có một xác tín chắc chắn rằng: thiện là thiện, ác là ác; thiện ác không thể tháu cáy lẫn nhau được.


Ngoài nền tảng tuyệt đối thiện – ác của Kant, các triết gia còn bàn đến cứu cánh lý tưởng của điều thiện như là giá trị tuyệt đối để qui chiếu lầm lỗi của con người. Jasper nói: “Người ta không thể là tội nhân nếu không đặt mình trước Thượng Đế.”


Quả vậy nếu không đặt mình trước một Thượng Đế toàn năng, toàn hảo và toàn bích thì làm sao con người có thể trở thành một tội nhân được. Đây là cách qui chiếu tuyệt đối để buộc con người phải hiện lên như là người lương hảo hay kẻ phạm tội. Tuy nhiên đây không phải khuynh hướng duy tâm khiến những kẻ lầm lỗi có thể an lòng khi nhủ rằng: So sánh với Thượng Đế ư? Điều đó thật vô ích, vì làm sao ta có thể so sánh mình với Đấng tuyệt đối siêu việt. Vậy thì ta được tự do mặc sức làm mọi chuyện, bởi sẽ chẳng có một bảng giá trị cụ thể nào qui định rằng ta là một kẻ phạm tội.


Song không phải vậy! Con người là một cuộc hành trình hướng về Thượng Đế, và đạo đức của nó cũng hành trình hướng miền siêu việt đó, bởi thế hành động của con người sẽ được soi chiếu nhân danh ngả đi của nó hướng về siêu việt hay ngả đi lùi về thoái hóa. Con người lương thiện là con người hành động nhân danh khát vọng hướng đến miền lương thiện tuyệt đối. Còn kẻ xấu là kẻ từ bỏ khát vọng đó. Ở trong dòng chảy cuốn về đạo đức lý tưởng kẻ vô minh đứng lại, nó khước từ miền cao cả siêu việt thánh hóa đó, nó là kẻ xấu.


Khuynh hướng đạo đức lý tưởng phải là tất yếu và vĩnh cửu nhờ đó mà hành động của con người có nổi ánh sáng dẫn đường để lần bước theo. Spinoza nói: “Tình yêu lề luật là đức hạnh nền tảng, nó đem lại cho mọi vật sự sắp đặt trong một tinh thần đạo lý và bổn phận. Một người có thể từ chối bổn phận một cách tự nhiên, nhưng không phải là phi đạo đức hay vượt ra khỏi tình yêu lề luật. Bổn phận thì thay đổi, trong khi lề luật lại bất dịch, nó tồn tại như nền móng đạo đức vĩnh cửu” ( L’amour de l’ordre est la vertu fondamentale qui rend vertueuses toutes les dispositions esprits. Un homme peut s’acquitter de ses devoirs par une sorte de penchant naturel, sans etre vertueux, sans avoir l’amour de l’ordre. Les devoirs sont changeant tandis que l’ordre est immuable et demeure comme le fondement de la morale eternelle. – Sdd ‘La Philosophie moderne’, tr.99 ).


Đã làm con người thì phải có nguyên lý làm người, bởi chính có nguyên lý đó mà con người mới xuất hiện như con người. Nguyên lý làm người đó là Đạo lý làm người. Nó là tất yếu. Chúng ta hãy tham chiếu ý tưởng của William Burgh: “Con người là tạo vật của hai thế giới: nhất thời và vĩnh cửu… Cái thứ nhất phái sinh, cái thứ hai là một thực tại nguyên khai, cái thứ nhất là đối tượng của vấn nạn suy lý, cái thứ hai là tín điều luân lý hay tôn giáo” (Man is a creature of two, the temporal and the eternal… the one a derivative, the other an original reality, the one object of rational inquiry, the other moral or religious faith. – Law ).


Luân lý như là lề luật của thế giới vĩnh cửu, ở đó con người xuất hiện như một kẻ phái sinh ngắn ngủi của dòng thời gian vô tận đang khát khao hành trình về đất mẹ bất hủy diệt của mình. Kẻ hành hương đó như một chấm son thiện hảo đang lướt đi trên con đường chông gai gập gềnh cái xấu – cái hiểm ác để xây nên sự nghiệp thánh thiện làm người. Luân lý là tuyệt đối. Richard Price nói: “Luân lý là vĩnh cửu và bất biến” ( Morality is eternal and immutable ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét