Cảm Xúc

Một Việt Nam thật sự

Thường tôi không thích những câu hỏi kết thúc bằng chữ “nhất.” Tôi đanh đá vậy đấy.
Anh Joe thích món gì nhất? Anh Joe ở Việt Nam thích nơi nào nhất? Tôi hiểu đó là những câu hỏi vui vẻ, nhẹ nhàng, thể hiện sự quan tâm. Nhưng rất tiếc, não tôi không chấm điểm một cách chính xác được. Bún chả là 7.61, Hội An là 8.64…Với tôi, việc chọn “thích” hay “không thích” đã là khó rồi (tôi có thích lấy vợ Việt Nam hay không?), chứ nói gì đến việc chọn một ứng cử viên thích nhất.   
Nhưng hôm trước một phóng viên hỏi tôi một câu hết sức là “nhất” – và tôi có một câu trả lời hết sức chính xác. Câu hỏi là “Anh thấy cảnh nào ở Việt Nam là đẹp nhất”. Bình thường tôi sẽ cựa quậy trên ghế, thở dài. Một câu hỏi khiến quái vật trong đầu tôi mở mắt, thức dậy. Tôi càng già (hoặc càng ế) càng muốn trả lời những câu hỏi đó theo cách của Lê Hoàng: trả lời bằng cách đặt câu hỏi về câu hỏi. “Tôi hỏi lại em câu đó em có trả lời ngay được không?”, chẳng hạn. Hoặc, “Xin lỗi, đây là bài phỏng vấn hay là bài thi cấp một?”
Một số phóng viên cứ gặp Tây là “Anh thích … chấm chấm chấm… nhất?”.  Gặp Mỹ Linh sẽ không hỏi “Chị thích bài hát nào nhất”, gặp Lê Hoàng sẽ không hỏi “Anh thích phim nào nhất?” Nhưng cứ Tây là thích món gì nhất, thích nơi nào nhất, có kinh nghiệm nào là thú vị nhất, vui nhất, hay nhất? Vâng, để tôi mở file excel trong não xem thế nào. Một câu hỏi hết sức “lười” cũng như các câu hỏi kết thúc bằng “cảm thấy thế nào” mà MC truyền hình hay hỏi khách mời (“Dạ, em cảm thấy vui, chị ạ!”)
Đó là bình thường. Nhưng lần này tôi chưa kịp thở dài thì một hình ảnh rõ ràng xuất hiện trong đầu tôi. Tôi trả lời ngay: “Cảnh đẹp nhất ở Việt Nam là cảnh các trẻ em ở vùng xa mặc đồng phục trên đường đi học.” Từ trước đến giờ, đó vẫn là cảnh đẹp nhất.
Một trong rất ít lần tôi trả lời một câu hỏi “nhất” mà không bịa ra một nội dung phù hợp cho xong.



Tôi tự hỏi mình vì sao tôi thấy cảnh đó là đẹp nhất – mà vì sao tôi trả lời phóng viên ấy một cách tự tin, không sợ sến. Chắc do cảnh đó gồm nhiều vẻ đẹp thuộc nhiều lĩnh vực, nếu một khái niệm lãng mạn như “vẻ đẹp” có thể bị chia cắt theo một khái niệm khoa hoặc như “lĩnh vực”:  tuổi trẻ, thiên nhiên, niềm hy vọng. Việc học hỏi, tính ngoan ngoãn, khả năng vượt qua…Mỗi khi tôi cùng người bạn cũ của tôi là chiếc xe Minsk lang thang ở vùng núi, thoáng thấy cảnh các em mặc đồng phục, đeo cặp sách, đẩy xe đạp lên dốc vì không đạp được…là chúng tôi thấy phê phê, một vẻ đẹp trọn vẹn.
Đó là Việt Nam thật.
Tôi quên hết các cảnh nữ sinh đánh nhau dạo này hay xuất hiện trên mạng. Nữ sinh đánh nhau chỉ là Việt Nam online. Việt Nam online xa Việt Nam thật. Xa thật và thật xa. Cướp, giết, hiếp, lộ hàng, hành hạ, đấm đá, các bệnh lãnh cảm, ác cảm, thiếu thiện cảm…thật là kinh khủng.
Nhìn các em lên đường đi học là tôi vừa quên cảnh xấu vừa nhớ cảnh đẹp – cảnh tuổi thơ ấu. Hồi nhỏ tôi cũng đi bộ lên trường. Đường cũng có dốc và tôi cũng phải xuống xe đạp, đẩy lên…Tôi cũng mặc quần xanh và áo trắng, cũng hơi sợ cô giáo nhưng đồng thời lại cũng hơi “yêu yêu”.  Chiều về tôi vừa đi đường vừa trò chuyện cùng các bạn bè, có tiền là qua cửa hàng mua kẹo, không thì nhịn. Tuổi ấu thơ của tôi là thế đấy, chỉ có điều tôi không lần nào cầm ô che nắng cho các bạn gái trong lớp.
Có nhiều cảnh khác ở Việt Nam cũng đẹp, cũng đầy tính nhân văn. Nhưng xa lạ. Tôi không nhận ra tôi trong các bà già nhuộm răng đội nón. Răng tôi vẫn còn trắng (nói chung răng tôi vẫn còn), và theo tôi được biết, không kiếp trước nào tôi là bà già đội nón.
Phải ở các em học sinh tôi mới nhận ra tôi.
Ở miền Bắc có một đoạn đường tuyệt đẹp xuất phát từ Hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, rồi xuống Bằng Lũng, Ao Sen, nối lại với Quốc lộ 3 nơi có tượng một con chim đại bàng đậu trên cao, cách thành phố Thái Nguyên khoảng 20km. Cách đây mấy tuần tôi đi đường này về Hà Nội (bơi ở Hồ Ba Bể sạch lắm; bơi ở Vịnh Hạ Long có quá nhiều túi nylon bơi cùng). Tôi thấy một mùa thu nhẹ nhàng, một Việt Nam chân thật – và càng chân thật càng có giá trị, nếu một khái niệm nghệ thuật như “chân thật” có thể đi song song với một khái niệm kinh doanh như “giá trị”.
Cánh đồng, mặc dù không bất tận (vùng núi mà) nhưng không thể đẹp hơn. Trẻ em, mặc dù không giàu (vùng núi mà) nhưng cũng không thể dễ thương hơn, ngoan, yêu học. Đây là Việt Nam thật, tôi nói cho xe Minsk nghe. Kể cả các em hư cũng chỉ hư kiểu ngoan.
Về Hà Nội tôi nhất quyết không mở laptop lên mạng. Tôi sợ đánh mất cảm giác nhẹ người đó. Đúng lúc đó tôi đã hiểu thế nào là Việt Nam thật, thế nào là Việt Nam ảo. Tôi đã muốn giữ lại cách hiểu đó, sự tỉnh táo đó. 
“Thôi cứ mở tôi đi, có gì đâu,” laptop nhẹ nhàng nói. Tôi bỗng thấy mình là thằng nghiện và laptop là nàng tiên nâu. “Đọc các trang báo cũng vui chứ. Biết đâu mấy ngày vừa qua có nhiều sự kiện thú vị xảy ra, anh phải biết chứ! Nào, anh cứ bấm vào nút kia đi…đúng rồi, đúng như thế đấy…”
Joe
 


Đêm ở quê
(Đàm Huy Đông)

Con dế hát một câu buồn như vừa chớm tương tư
Trăng đánh rơi tấm khăn choàng trên cánh đồng mới gặt
Gió một mình dọc triền đê thơ thẩn
Nhặt bông hoa cỏ, bói... vu vơ

Trong lời mẹ ru xưa có bóng một con đò
Vầng trăng trốn tìm giữa miền hoa cải
Gã đom đóm hội hoa đăng chơi mải
Và dòng sông với câu chuyện lở bồi.

Mầm cỏ cựa mình trong giấc mộng sinh sôi
Giọt sương rơi mơ hồ vào đâu đó
Bóng cha mờ phía cuối trời mây, gió

Về đây đi em, đối diện với cánh đồng"


QUÊ HƯƠNG 
Cho dù nay, chúng tôi đều đã trưởng thành và mỗi ngày qua đi vẫn đang hối hả theo nhịp sống của đất thị thành. Tóc đã không còn hoe hoe cháy trên đầu và chân tay đã phả hết mùi, màu phèn chua, nhưng tâm hồn vẫn luôn hướng về quê hương, về đất mẹ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng và dắt chúng tôi trong từng bước đi lẫm chẫm đầu đời!
“Một đời có được mấy lần
Về quê mà lội cho chân ngập bùn
Cho vàng mấy móng chân son
Cho hoe cháy tóc, có còn thị dân?”
(Trần Thanh Tường)


1. Anh bạn tôi là kỹ sư chuyên ngành xây dựng, sống thực tế chứ không lãng đãng như cánh văn nghệ sĩ, thế mà cứ nằng nặc đòi chất lên xe hơi một túi to đất đồi và mấy gốc rau má, (mà phải là rau má và đất đồi lấy tại chính chân hòn núi Đọ quê chúng tôi – nơi phát tích của nền văn minh Đông Sơn cách đây cả mấy nghìn năm có lẻ) - để mang ra Hà Nội trồng, chăm bón ngay tại sân thượng nhà anh. "Để ghi nhớ những tháng ngày chúng mình một buổi đi học, một buổi đi hái rau má ăn tạm qua mùa giáp hạt" – anh giải thích.
Đất mẹ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Đất mẹ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Anh bạn khác, là bác sĩ đang công tác tại một bệnh viện lớn, lại thèm được một ngày nào đó về quê chạy ào xuống ruộng sâu đằm mình hít hà cái mùi bùn non đã ăn sâu vào trong tiềm thức.

Riêng tôi, luôn nhớ đến nao lòng mùi rơm rạ mới trên con đường làng, cái mùi thơm như bao bọc lấy tôi trong ký ức mỗi khi có dịp về quê trong những ngày mùa. Và, tôi không bao giờ quên được con đường đi học ngày xưa, hun hút gió bấc mùa đông và nắng cháy đỏ càng cua mùa hạ... Những cách nhớ quê rất hồn nhiên và có phần … “Hai Lúa”.
Cho dù nay, chúng tôi đều đã trưởng thành và mỗi ngày qua đi vẫn đang hối hả theo nhịp sống của đất thị thành. Tóc đã không còn hoe hoe cháy trên đầu và chân tay đã phả hết mùi, màu phèn chua, nhưng tâm hồn vẫn luôn hướng về quê hương, về đất mẹ, nơi chôn rau cắt rốn, nơi nuôi dưỡng và dắt chúng tôi trong từng bước đi lẫm chẫm đầu đời!
Quê tôi nằm bên bờ sông Chu, con sông nước chảy hiền hoà và xanh mát, nhưng cũng cực kỳ hung hãn mỗi mùa lũ đổ về. Những đêm trăng thanh, lũ trẻ rồng rắn nhau trên triền đê với những câu đồng dao ngộ nghĩnh, dưới bãi sông là những câu hò đối đáp của nữ tú nam thanh. Lắm khi hứng lên đám thanh niên trong làng trong xóm cũng mở hội đá bóng, chọi gà, vui vô cùng, náo loạn cả khúc sông quê.
Những buổi chiều hè nóng bức, chúng tôi thường nhảy ào xuống sông đùa nghịch thoả thích cùng … lũ trâu vừa xong buổi cày đồng. Một chiếc xuồng máy chạy ào qua, sóng dềnh lên tung toé, mấy chú trâu đen sợ quá nhảy đại lên bờ, chúng tôi cuống cuồng đưa tay vuốt nước trên mặt. Có ai đó giơ nắm tay dứ dứ về phía chiếc xuồng, nhưng miệng thì ngoác ra cười hồn nhiên hết cỡ. Cái chốn quê sao mà đầm ấm, dễ thương và những người nhà quê sao mà bình dị, hiền lành, chân chất như củ khoai hạt lúa.

2. Ngày ấy, tôi đến trường bằng đôi chân trần chai sạn. Con đường tôi đi đến trường qua một cánh đồng thấm đẫm mùi lúa trổ đòng, thơm đến đê mê, ngây ngất. Có những buổi tinh sương, đi qua con đường ấy, ngoái lại nhìn, những bước chân của tôi vẽ lên thảm cỏ đẫm sương đêm một vệt chạy dài đều tăm tắp.
Dáng quê
Dáng quê. Ảnh: Lê Anh Dũng
Vô tình, tôi đã ghi lại “cái hồn” con đường mà tuổi thơ tôi đã đi qua. Khi ấy, trong cái ý nghĩ trẻ thơ, tôi cũng thấy tiêng tiếc khi nắng lên hoặc những người dân đi làm đồng sẽ xoá nhoà mất bức tranh mà đôi chân trần của tôi đã vẽ.

Tan buổi học về, tôi qua cánh đồng những chú cua đồng dưới mương, dưới ruộng buộc ngoi lên bờ bởi cái nắng hè cháy như đổ lửa. Vừa đi vừa nhặt, tôi đã làm đầy hai túi quần toàn cua.
Có một hôm, tôi đã không bắt các chú cua đồng ngoi lên bờ nữa. Tôi ngồi thụp xuống lặng lẽ ngắm chúng, những chú cua đang giương càng, “dùng miệng thổi cơm” đầy bọt và tròn xoe xoe hai con mắt nhìn. Ấy là vì ngày mai tôi vào đại học. Tôi biết mình sẽ xa con đường này và xa cả những chú cua.
Mấy chục năm rồi, cuộc sống thị thành và những tất bật của công việc, tôi vẫn ao ước có một ngày được trở lại… ngày xưa. Để đi trên con đường thấm đẫm sương đêm ấy để được quay lại ngoái nhìn bức tranh in đôi "bàn chân" trần và ngắm nhìn những chú cua đồng giương hai càng "doạ nạt", còn hai con mắt lồi cứ xoe xoe tròn thăm dò tôi từng động tác.
3. “Quê tôi ngàn năm khó nhọc. Nên sớm chắt chiu câu nghĩa tình”. Câu hát này bao nhiêu năm rồi vẫn đúng y chang như ở cái làng nhỏ nằm bên bờ sông Chu của tôi. Dù đã trưởng thành bằng nghề cầm bút, nhưng sao tôi vẫn thấy mình quá kém cỏi vì chưa viết được một cái gì đầy đủ về quê hương.
Có lẽ tôi sợ mình không thể nói, viết được trọn vẹn cái hồn quê là máu thịt mình trong mỗi bài văn, bài báo. Hay là vì cuộc sống hiện đại có nhiều cái phải canh cánh trong lòng. Chắc là không phải vì ông nội tôi thường nói: Linh hồn và máu thịt quê mình cũng bình dị như củ khoai hạt lúa, như ngọn cỏ mớ rau. Con người quê mình luôn trọng chữ tình, chữ nghĩa.
Lời dạy đó của ông đã theo tôi suốt cả cuộc đời, dù ông nội tôi đã đi xa. Và bài viết này chỉ là chút tấm lòng cỏn con cho nguôi ngoai nỗi nhớ Đất mẹ, quê hương tôi.
  • Trần Thanh Tường


Viên xúc xắc mùa thu - Hoàng Nhuận Cầm

Tình yêu đến trong đời không báo động
Trái tim anh chưa lỗi hẹn bao giờ
Viên xúc xắc mùa thu ru trong cỏ
Mắt anh nhìn sáu mặt bão mưa giăng

Anh đi qua những thành phố bọc vàng
Những thị trấn mẹ ôm con tr6en cỏ
Qua ánh nắng bảy màu,qua ngọn đèn hạt đỗ
Qua bao cuộc đời tan vỡ lại hồi sinh

Anh đi qua những đôi mắt lặng thinh
Những đôi mắt nhìn anh như họng súng
Anh đi qua tổ chim non mới dựng
Qua tro tàn thành quách mấy triệu năm

Anh đi qua tất cả mối tình câm
Mối tình nói rồi mối tình bỏ dở
Đôi tay kẻ ăn xin, đôi môi hồng trẻ nhỏ
Đất nước đau buồn chưa hết Mỵ Châu ơi!

Lông ngỗng bay như số phận giữa trời
Trọng Thủy đứng suốt đời không hết lạ
Vệt lông ngỗng con đường tình trắng xóa
Có ai hay thăm thẳm giếng không cùng

Nhưng chính anh không hay số phận lại điệp trùng
Khi mở mắt Mỵ Châu em ngồi đó
Toa thứ ba ôm cặp ai nuc nở
Suốt đời anh mang tội với con tàu

Sẽ tan đi những thành phố bảy màu
Đôi trái cấm trong vườn đời em, anh làm vỡ
Nhưng giọt mực thứ ba em ơi không thể lỡ
Xin trải lòng ta đón chấm xanh rơi

Giọt mực em thong thả đến trong đời
Không giấu được trong lòng tay nhỏ bé
Viên xúc xắc xoay tròn trong gió xé
Sáu mặt đời lắc cắc tiếng thơ anh.





























Rét đầu mùa nhớ người đi về phía bể 
Chế Lan Viên


Cái lạnh đầu mùa cái lạnh xa em

Đêm dài đắp chăn chia làm hai nửa


Nửa đắp cho em ở tận cùng sóng bể


Nửa đắp cho mình ở phía...... không em.




Bài Diễn văn hay nhất thiên niên ki




Thưa quý ngài nội thẩm,
Người bạn tốt nhất mà con người có được trên thế giới này có thể có một ngày nào đó hoá ra kẻ thù quay ra chống lại ta. Con cái mà ta nuôi dưỡng với tình thương yêu hết mực rồi có thể là một lũ vô ơn. Những người gần gũi, thân thiết ta nhất, những người gởi gắm hạnh phúc và danh dự có thể trở thành kẻ phản bội, phụ bạc lòng tin cậy và sự trung thành. Tiền bạc mà con người có rồi sẽ mất đi. Nó mất đi đúng vào lúc ta cần nó nhất. Tiếng tăm của con người cũng có thể tiêu tan trong phút chốc bởi một hành động dại một giờ. Những kẻ phủ phục tôn vinh ta khi ta thành đạt có thể sẽ là những kẻ đầu tiên ném đá vào ta khi ta lỡ vận. Duy có một người bạn không bao giờ rời bỏ ta, không bao giờ tỏ ra vô ơn hay trắc trở, đó là con chó của ta.

Con chó của ta luôn ở bên cạnh ta trong phú quí cũng như lúc bần hàn, khi khỏe mạnh cũng như lúc ốm đau. Nó ngủ yên trên nền đất lạnh, dù gió đông cắt da cắt thịt hay bão tuyết vùi miễn sao được kề cận bên chủ là được. Nó hôn bàn tay ta dù khi ta không còn thức ăn gì cho nó. Nó liếm vết thương của ta và những trầy xước mà ta hứng chịu khi va chạm với cuộc đời tàn bạo này. Nó canh giấc ngủ của ta như thể ta là ông hoàng, dù ta có là một gã ăn mày. Dù khi ta đã tán gia bại sản, thân tàn danh liệt vẫn còn con chó trung thành với tình yêu nó dành cho ta như thái dương trên bầu trời. Nếu chẳng may số phận đá ta ra rìa xã hội, không bạn bè, vô gia cư thì con chó trung thành chỉ xin ta một ân huệ là cho nó được đồng hành, cho nó được là kẻ bảo vệ ta trước hiểm nguy, giúp ta chống lại kẻ thù.

Và một khi trò đời hạ màn, thần chết đến rước linh hồn ta đi, để lại thân xác ta trong lòng đất lạnh, thì khi ấy, khi tất cả thân bằng quyết thuộc đã phủi tay sau nắm đất cuối cùng và quay đi để sống tiếp cuộc đời của họ, thì khi ấy vẫn còn bên nấm mồ ta con chó cao thượng của ta nằm gục mõm giữa hai ch
ân trước, đôi mắt ướt buồn vẫn mở to cảnh giác, trung thành và trung thực ngay cả khi ta đã chết rồi.